Hôm nay thằng An đi cắm câu. Nó rủ tôi đi theo vì là người mới, từ ở tỉnh về nên dốt đặc cán mai về sinh hoạt của người nông thôn. Thứ nữa dù sao tôi và An cũng là bà con chú bác, lại thân thiết từ bé nên được tham gia buổi đi câu, gọi là thắt chặt quan hệ người nhà.
Mới vừa chạng vạng thằng An đã mang ra đủ thứ. Nào là lon mồi trùng, cái đục để đựng cá và chiếc đèn lồng mà dân quê thường hay sử dụng. Loại đèn này được dùng thiết đóng quanh một mảnh gỗ, phía trong đặt một chiếc đèn dầu để ánh sáng luôn hướng về phía trước.
Ngồi nhìn thằng An mắc mồi vào mấy chục cần câu tôi thấy thích thú vô cùng. Sinh hoạt đồng nội luôn gây nỗi đam mê cho tôi nhưng không sao giải thích được. Lắm lúc nghĩ hè, tôi bức rứt trong người mà không dám mở lời để xin ba mẹ cho về thăm quê. Nơi đây tôi được đi ra đồng tát ao bắt cá, giăng lưới, câu cá rô đồng. Và nhất là mấy con trâu của ông nội, luôn trông chờ tôi trở lại để cùng nhau ra đồng, nghêu ngao trên những bờ mẫu đầy ắp cỏ xanh.
Thằng An mắc xong dàn câu rất thành thạo. Nó giương giương nét mặt như vừa hoàn thành công việc của người lớn mà mấy đời tôi theo kịp. Công việc vừa xong thì nhà nhà đã lên đèn. Cả một vùng thưa thớt nhà ở, chỉ thấy toàn bóng dừa đan xen vào nhau. Khi có một cơn gió thổi qua, thân dừa cọ vào nhau tạo ra những tiếng xào xạc, nghe thật buồn tẻ trong khung cảnh vắng ngắt bóng người.
Tiếng thằng An vang lên bên tai làm tôi giật phắt cả người.
- Anh cầm đèn, để tui cắm câu. Cắm hết giàn câu này hai anh em đi qua chòi chú Trải chơi. Đợi lúc “sao cày” lên quay lại thăm câu là vừa.
Câu nói thằng An lúc đầu tôi không hiểu. Sau này khi thắc mắc với ông nội, tôi lại được nghe thêm cách gọi về “sao cày” mà thằng An thường hay nói. Có nhiều cách gọi về chòm sao này : người nói sao bánh lái, kẻ nói sao cán gáo, sao cày...Không biết những nơi khác còn cách gọi nào nữa không? Nhưng sau này lớn lên tôi được biết đó chính là chòm sao Đại Hùng. Nó có tất cả bảy ngôi sao sáng nhất trên bầu trời phương bắc, trông giống như một cái gáo múc nước có tên là : Thiên Khu, Thiên Toàn, Thiên Cơ, Thiên Quyền, Thiên Vệ, Thiên Dương và Dao Quang.
Những lúc ngủ đồng chờ giờ đi thăm câu. Bao giờ tôi cũng hướng mắt lên bầu trời lấp lánh sao. Nhìn mãi cũng không thấy chán cái thế giới huyền ảo đầy ắp tinh tú ấy.
Hôm nay chú Trải không ra chòi. Tôi và An đành ngồi tựa người vào cây rơm để chờ giờ đi gỡ cá. Trời trong gió mát tôi thiu thiu ngủ lúc nào không hay. Đang lúc mơ màng không biết ngủ được bao lâu thì bàn tay thằng An chạm vào. Ánh mắt tôi lập tức mở tròn như thể chưa hề chợp mắt bao giờ.
Tiếng thằng An thì thào :
- Đi thôi ! Đến giờ rồi...
Nó nói xong liền bước đi thoăn thoắt trên đoạn bờ đê đầy cỏ, còn ướt mượt sương đêm. Tôi theo sau mà chân cứ trượt mãi vì không thông thạo cách đi đêm. Đi được một chốc thì hai đứa vào đến đường vườn. Vào đến đây xung quanh lại tối đen vì những tàu dừa nước che kín đỉnh đầu. Chiếc đèn dầu đặt trong lồng nhờ nhờ sáng, soi xuống những bờ mương đầy cỏ nước. Một cần câu đã mắc cá. Thằng An đưa chiếc đèn sang cho tôi để kéo câu lên. Nó làm nhanh và dứt khoát đề tránh trường hợp con cá bị sổng. Con cá khá to, cở bằng bắp chân của người lớn. Tôi sướng rơn cả người vì hiểu ra hôm nay mình đã thành người lớn, có thể tự thân đi kiếm thức ăn phụ giúp gia đình.
Trúng câu ! Đó là câu nói vùng thôn dã thường hay sử dụng. Chỉ mới đi được một đoạn ngắn tôi và An đã gỡ khá nhiều cá. Khổ nỗi chiếc đèn ngược gió cứ tắt mãi. Tôi cứ lúi húi dùng “quẹt đá” đánh một lúc mới thắp sáng được. Chiếc đục đã khá nặng. Bước chân tôi bắt đầu chân xiêu chân nai khi tiến vào đoạn đường đầy bóng tre và dừa nước. Lúc này thì không còn căn nhà nào trong cái tối như bưng. Tôi muốn bật cười khi nhớ đến câu nói thằng An thường hay bảo : “ Tối như đêm ba mươi ”...
Phía trước hai đứa có tiếng cá quẫy. Tiếng động rất lớn như có con cá to mắc vào câu, cố vùng ra để thoát thân. Thằng An chạy nhanh đến. Tôi bám sát theo sau. Trước ánh sáng vàng vọt của chiếc đèn dầu, mặt nước vẫn còn xao động, nhưng chiếc cần câu vẫn bất động như chưa hề có vật gì chạm vào. An cúi người kéo cần câu lên. Mồi câu vẫn nguyên vẹn không chút suy suyển. Tôi tiếc ngẩn cả người như vừa đánh mất một con cá lớn. Qua lúc bàng hoàng tôi chợt nhớ lại. Lúc chiều chính tay tôi đã cắm cây câu này. Trong đục còn một con nhái, thằng An bảo tôi cắm mồi nổi để bắt cá lóc ngày mai nấu cháo cá ăn. Bây giờ...con nhái còn nguyên vẹn...Tiếng cá quẫy...Giải thích sao đây ?...
Nghĩ mãi nhưng không hiểu được chuyện vừa xảy ra, tôi buột miệng :
- Ma nhát tao với mày đó An...
Thằng An sửng cả người khi nghe tôi nói. Sắc mặt của nó trước ánh đèn tái đi, trông như màu lá chuối. Không nói không rằng nó lôi tôi đi.
- Đi thôi !
- Mày sợ rồi hả ? Vừa nghe nói đến “ma” đã điếng cả người. Thế mà cũng nói là chuyên gia câu đêm...
Gió từ đâu bỗng thổi đến. Những tàu dừa rung lên xào xạc chen lẫn tiếng kẽo kẹt của những thân tre gai, át hẳn tiếng nói tôi. Thằng An bỗng run lên trông đến tội nghiệp. Ánh mắt nó trắng bệt ra như vừa nhớ lại chuyện gì sợ lắm. Bên tai tôi chỉ còn nghe tiếng gió ù ào, nhưng bàn tay vẫn cảm nhận sự run rẩy của thằng An. Tự dưng thấy thương nó, bởi dù sao tôi vẫn là đàn anh cơ mà...
- Mày đứng lại coi ! Chạy chết hay sao vậy ? Ma quỷ gì ở chốn...
Tôi dừng lời khi ngó quanh quất. Ờ ! ở đây cũng sợ thật, lỡ có chuyện gì la lên đâu có ai nghe thấy. Rồi cái sợ của thằng An bỗng chốc chạy sang tôi. Có một vệt lạnh, lạnh lắm như có nước đổ vào sống lưng mình mà không sao nói được...
Chú Trải đã về chòi. Ánh sáng heo hắt trong gió đồng đã báo cho tôi biết điều này. Cả hai đứa không ai bảo ai đều chạy tọt vào mà không một lời báo trước. Chú Trải ngạc nhiên nhìn tôi và An. Tuy gọi “chú” xưng “cháu” nhưng tôi và chú vốn đồng lứa tuổi. Khổ nổi cái “vai vế”...không biết là ai “lớn” hơn...
Yên nơi, ổn chốn thằng An bắt đầu kể...
Khu vườn nhà Bà Tư Hỉ cách con đường đi câu không xa. Sở dĩ những đứa nhỏ gọi là Bà Tư vì tuổi bà tính đến nay bằng tuổi cô tôi. Thời còn con gái Bà Tư thường hay vui chơi cùng bè bạn đến lúc khuya mới về nhà. Có hôm cha bà không đồng ý nên quát mắng và dùng cây để đánh đòn. Cớ sự chỉ có vậy mà hôm sau cả làng bỗng nghe tin “Con Tư Hỉ” đã treo cổ chết. Cái chết oan của cô gái khiến nhiều người trong làng cảm thấy bất an. Vì ở quê người ta cho rằng : Người chết không phải do bệnh, tuổi lại còn trẻ thì là “chết oan khuất”. Thế là từ đó tối nào người làng cũng nghe tiếng khóc lóc ỉ ôi vang lên từ khu vườn ở cạnh. Lời đồn vì thế một thành hai, hai...thành ra ngàn...lúc nào không ai hay. Căn nhà của Bà Tư sau đó bỏ hoang phế. Người nhà không biết trôi dạt về phương trời nào. Duy chỉ có tiếng khóc về đêm là không mất đi. Nó ám ảnh người trong thôn và di hại sang những đứa trẻ. Những đứa hay khóc nhè thường bị doạ dẫm “ Nín đi không thôi Bà Tư Hỉ về bắt đi mất ”...
Khi ấy nghe chuyện tôi cười phì.
- Làm gì có chuyện ấy ! Người chết là hết. Sống không làm gì được ai, chết làm sao doạ được người.
Chú Trải nói :
- Mày không tin thì về nhà hỏi chú Sáu thằng An. Có hôm ổng đi soi ếch trong vườn bà Tư, thấy con ếch “tổ bố”nên dùng chĩa để đâm. Lúc đâm trúng, hoá ra con ếch là một mớ rơm xen lẫn phân bò. Mà khu vườn đó làm gì có trâu bò nào vào cơ chứ...
Những bà đi chợ sớm còn kể rằng, khi đi qua khu vườn ấy thường có đá ném ra. Một bà tinh ý lấy một miếng ngói, dùng phấn đánh dấu mà ném trở vào. Một lúc lại có đá ném ra, nhặt viên đá ấy đem ra đến chợ thì trời sáng tỏ, bà ta nhìn lại đúng là viên đá có dấu phấn của mình. Thế có ớn không...?
Câu chuyện loanh quanh, khuya lúc nào không ai hay. Tôi cứ mặc kệ, lăn ra tấm phên tre ngủ lúc nào không biết. Sáng ngày, chuyện đầu tiên tôi làm là đi tìm chú Sáu. Gặp chú tôi lân la bắt chuyện một lúc thì hỏi:
- Chú có soi ếch trong vườn của bà Tư Hỉ không ?
- Có ! Bây hỏi để làm gì ?
- Con muốn hôm nào trời mưa đi “soi”, chú dẫn con theo được không ?
Chú tôi chỉ cười không nói. Sự im lặng của chú càng khiến tôi hoang mang. Không lẽ chuyện bà Tư Hỉ là có...Tôi gạt vội ý nghĩ của mình mà nghe tim cứ đập thình thịch trong lồng ngực.
Mấy hôm sau trời đổ mưa. Mưa lớn lắm ! Nước chảy tràn lên những bờ đi. Tôi hồi hộp nghĩ: “Hôm nay nhất định mình sẽ đi soi trong vườn bà Tư Hỉ cho xem”...
Tối đến, chú tôi đi soi thật. Phải nài nỉ một lúc tôi mới được phép đi cùng. Chú Sáu dẫn tôi đi qua rất nhiều khu vườn, nhưng lại không léo hánh tới nơi tôi muốn. Sáng ra tôi hỏi chú :
- Đêm hôm, sao chú không vào vườn của bà Tư. Người ta nói chú bị bả nhát nên kệch tới già. Nghe nói chú đâm ếch lại nhằm rơm và phân bò có đúng không ?
Chú tôi chỉ cười mà không trả lời. Quay sang người thím, tôi hỏi :
- Thím hay đi chợ sớm. Chuyện ném đá từ vườn bà Tư Hỉ là có hay không ?
Thím Sáu gật đầu rồi quay người đi trong sự chết lặng của tôi. Chú Sáu thấy vậy cười khà.
- Ma quỷ gì mậy ! Mấy bà chỉ giỏi hù trẻ nhỏ...
- Chú nói vậy sao không dám vào vườn...bà Tư ?
Câu hỏi của tôi lại rơi vào im lặng...
Từ hôm đó tôi bắt đầu đi thu thập chuyện về bà “Tư Hỉ”, và phát hiện ra cơ mang nào là giai thoại rợn cả người. Trong làng nói rằng, chú Hai thợ mộc đi cất nhà cho người mặc quần rách đáy bị bà Tư “lên đồng”nói đích danh, làm bọn trẻ cười vỡ cả bụng.
Chú Sáu có tài sửa trật, cả làng đều biết tiếng. Có người nói chú biết “lỗ ban”. Ba tôi kể lại, có lần ông Út trong làng bị bí đái, cô Tư tôi làm “mụ vườn” biết chút y học, đến thông tiểu cũng không xong. Thế mà khi mời chú tôi đến, ổng lại phán : “Bệnh hoạn gì ? Bà Tư Hỉ phá đó”. Vừa nói chú Sáu vừa vuốt lên bụng nạn nhân, miệng nói : “Thôi đái đi nè”...
Không biết có phải vì bùa thiêng hay trùng dịp mà người bệnh bỗng “xì” được. Từ đó oai danh chú tôi lên đời.
Làng bên có người bị quỷ nhập, cứ xưng tên là Bà Tư Hỉ. Và cái Bà Tư ấy cứ một mực nói rằng đêm nào cũng thấy cô Tư thắp nhang, quỳ lại tại “bàn ông thiên”. Chuyện này làm cả họ nhà tôi phát hoảng. Số là cô tôi ăn chay trường, không biết có khấn điều gì mà nói : Cứ thức giấc vào giờ nào đều phải ra sân đốt nhang van vái...Nhưng chuyện này chỉ có người nhà mới biết...Làm sao Bà Tư hiểu được !?
Có người nói, những lúc đêm khuya thường thấy một bóng người mặc đồ trắng đứng trong sân nhà ông tôi. Chuyện này thật rợn tóc gáy, bởi đêm đêm tôi thường ra đầu hè để “tè”. Báo hại từ đó lúc nào đi ra sân vào buổi tối, tôi thường ngó lên những tàn cây xung quanh với đôi mắc trợn trừng hoảng sợ. Phải mấy năm sau, cái bí mật người mặc áo trắng mới được phơi bày. Hôm ấy tôi đi chơi khuya về. Vừa đến đầu đường đã thấy cái bóng trắng đáng sợ đứng trong sân nhà. Những sợi tóc trên đầu tôi dựng lên trong sự sợ hãi vô bờ. Nếu bỏ chạy thì không vào được nhà. Còn muốn vô nhà lại phải đối diện với cái bóng trắng ấy. Cuối cùng lấy hết can đảm tôi làm liều. Nếu là ma phải để tôi “sờ thử” rồi chạy cũng không muộn. Khi đi đến gần mới biết người mặc đồ trắng chính là cô Tư. Mà cô Tư cũng thật kỳ, thiếu vì đồ để mặc, sao chọn bộ đồ trắng đứng trong bóng tối mà thắp nhang. Sau này hỏi lại, cô tôi thích nhất là mặc đồ trắng lúc đi ngủ...
Hai mươi năm sau, linh hồn cô gái chết oan vẫn ám ảnh tâm trí tôi. Có dịp về làng cũ hỏi thăm bè bạn thì được biết : Bà Tư đã không còn phá phách nữa. Trong làng có người mở nhà máy chà lúa, thợ thầy biết chuyện đã xây cho vong hồn oan khuất một ngôi miếu. Và người ta tin rằng, từ đây về sau Bà Tư sẽ không hiển hiện oai linh nữa...
Câu chuyện lâu ngày không còn nghe ai nhắc đến. Mọi người không nhắc, chứ không phải là đã quên. Cứ có ai trong làng khơi lên câu chuyện cũ thì lập tức mọi việc sống lại. Cũng như tôi vô tình trong một bữa cơm, đã đem câu chuyện kể lại. Con tôi sợ rúm. Vợ tôi cười phì...
Một ngày, mấy người chị ghé thăm nhà và ngủ lại. Thằng bé ở nhà đem việc ra hỏi. Những người cô lập tức xác nhận lời nói của tôi. Vợ tôi không cười nữa, sắc mặt ra vẻ khác thường...
Nếu câu chuyện về Bà Tư là đơm đặt thì tôi nghĩ : Sự bịa đặt bao giờ cũng bắt đầu bằng người lớn. Nhưng...những đứa trẻ rồi sẽ lớn lên...Và biết đâu câu chuyện lại được tiếp nối...